Bình dị mà lắng đọng bao trầm tích từ ngàn xưa; bình dị mà âm thầm tỏa lan để sinh sôi bao mầm xanh dạt dào sự sống và dưỡng nuôi bồi tụ bao trái ngọt dâng đời. Dòng phù sinh muôn tháng, muôn năm của tự nhiên vẫn chọn cho mình một lẽ sống thầm lặng tỏa hương như thế… Và dòng sông đời người cũng được đón nhận bao Hương phù sa ngọt lành từ công Cha, nghĩa Mẹ, tình Thầy, của tình quê nồng ấm – đã vun đắp, bồi sinh cho tâm hồn rộng mở, cho trí tuệ vươn cao và nhân cách lớn khôn mỗi ngày. Để rồi, mỗi dòng sông ấy lại tạo nên bao nguồn mạch mới, lại tiếp tục lắng đọng phù sa mang đến muôn hương để tỏa lan khắp cuộc đời…
Dòng sông đời người luôn hiện hữu những Bến sông trong trẻo nhất của năm tháng thanh xuân học trò. Một bến sông bình yên, lắng đọng phù sa tri thức và chan chứa yêu thương của tình thầy nghĩa bạn. Một bến sông có những Người lái đò thầm lặng, miệt mài đưa khách qua sông không kể ngày, kể tháng. Tấm lòng, nhân cách và trí tuệ của những người “chèo đò” bình dị ấy chính là thứ Hương phù sa đẹp đẽ, lấp lánh nhất – đã khởi sinh, nuôi dưỡng bao Mầm xanh, nâng đỡ bao tâm hồn, sinh thành Quả ngọt và chắp cánh cho bao ước mơ được bay cao, bay xa. Để rồi, dòng sông cuộc đời ấy có bên lở, bên bồi; có vươn mình chảy ra nơi bể dài, biển rộng cũng vẫn mãi hướng Về nguồn cội, về thứ hương phù sa thanh khiết, ngọt lành ấy….
Cuốn sổ tay của chi đoàn 10 văn 2 cũng là thứ Hương đầu mùa được tạo nên từ dòng chảy phù sa dạt dào đó và ngân lên bao tiếng tri ân gửi đến “những tấm lòng cao cả” nơi Bến sông Lê Hồng Phong này.
Lòng thầm gọi sau ngày tháng chia xa
Vọng lời giảng bên bảng đen phấn trắng
Mái trường xưa đong nỗi nhớ thương ơi!
Trường vẫn bình yên trong kí ức chơi vơi
Xào xạc hàng cây trong mùa thay lá
Hương hoa sữa vương nỗi niềm muốn ngỏ
Heo may về, sắc nắng bỗng phôi pha.
Trường tôi nay – chẳng còn bỡ ngỡ
Qua bao ngày bống hóa thân thương
Ngôi trường mới khởi nguồn mơ ước
Tiếp sức tôi từng vững bước trưởng thành…
***
Trường xưa, nay – đều là Bến là sông
Bao chuyến đò nặng hành trang tri thức
Bao chuyến đò mang nỗi lòng người chở
Yêu thương, kì vọng sẽ thành công!
Chuyện bắt đầu vào thời điểm khi đông sang và từng cánh hoa đã trở nên úa tàn… Dòng sông cạnh ngôi trường cấp 3 được mệnh danh là Thánh đường Tri Thức đó dường như cũng chảy chậm…
Là thời gian chầm chậm hay lòng người không muốn níu giữ thời gian?
Nếu thời gian có thể quay về – cô trò nhỏ năm xưa sẽ bám chắc con đò mà Người Thầy năm ấy trao trọn yêu thương chỉ để giúp cô cập bến…
“Hành văn thật xấu hổ!”
Năm chữ lặp đi lặp lại trong đầu và xoay vòng như khiến tim cô chỉ muốn vỡ tan…
Cô nhìn trong cặp là những bài văn với con số 9 đỏ tươi mà lòng dấy lên bao khó hiểu…
Mặc cho bạn bè mỉa mai,cô vẫn chạy thật nhanh đến phòng làm việc cô độc ở góc toà nhà…
Cô nắm chặt bài văn điểm 0…run rẩy cất tiếng hỏi Thầy lí do về điểm bài viết . Thầy mỉm cười chỉ nói 1 câu :
“Bạn sinh ra là một nguyên bản.Đừng sống như một bản sao!”
Cô cảm thấy như trước mắt mình là cả một khung trời xám xịt hiện lên. Guồng chân chạy về lớp học,cô cảm thấy lòng tự trọng và sự tôn nghiêm văn chương của mình như bị vùi xuống sâu tận đáy..
Thờ thẫn nơi bàn học, vô tình nhìn bức ảnh vụ cháy năm cô 6 tuổi…Khiến lòng cô xôn xao,cô hỏi cha mình:
-Đã tìm thấy ai là người cứu con vụ hoả hoạn năm ấy chưa bạ?
-Chưa con ạ…Đội tìm kiếm vẫn cần thời gian.
-10 năm! Con đã chờ người của ba tìm 10 năm ! Trước khi hơi thở hoá thinh không, con cũng sẽ tìm ra được người ấy!
…
Chiếc lá bàng đỏ rơi xuống, khơi lên vụ hoả hoạn, khiến trái tim cô quặn thắt chia lìa. Có thể tìm được người ấy hay không?
Mải miết chạy theo dòng nghĩ suy, cô không nghe thấy mọi người đang gọi …
-Hạ Ly! Cậu biết gì chưa? Bài văn cậu được thầy chấm cao nhất lớp!
Tiếng các bạn học vang lên rầm rộ:
-Ơ chuyện Ly được cao nhất lớp không phải là thường tình sao?
-Nhưng cậu ấy mới bị điểm 0 mà nhỉ?
-Shhh…
Cầm bài văn điểm 9,0 trên tay, lòng hoài nghi bao điều không nói. Ánh mắt cô không ngừng nhìn dòng chữ ” Kể về câu chuyện khiến em không thể nào quên ”
Cô đã kể vụ cháy kinh hoàng năm ấy, cướp đi ngôi nhà , tổ ấm cô yêu. Trong tâm khảm vọng lên sự tìm kiếm…
Không nhận xét,lại có điểm số rất lạ…
Nằm dài trên mặt bàn gỗ ép bóng loáng nơi thư viện trường,nắng sáng sớm chiếu rọi qua khung cửa sổ thật ấm áp làm sao…
Mở điện thoại,cô thấy Gmail của mình có một thông báo từ tối qua – thời điểm cô thiếp đi vì mệt…
Một video dài 2 phút…
Người gửi : Ha Quoc Trung
Bấm nút Play, cô nghe thấy giọng nói đầy sức truyền cảm của Thầy:
“Hạ Ly.Chúng ta đều biết rõ rằng,mỗi người chỉ sống một cuộc đời.Mỗi người là một cái bóng nhỏ bé giữa vụ trũ rộng lớn này.Bé nhỏ nhưng chúng ta có thể đạt bất cứ điều gì! Khi chúng ta biết nắm quyền kiểm soát thời gian…
Đây là chiếc bình em tặng thầy nhân dịp sinh nhật vừa rồi.Thầy để những quả bóng vào đó.Em có thấy nó đầy hay không?
Vẫn còn khoảng trống giữa các quả bóng,thầy đổ những hạt sỏi vào nữa.Em có thấy nó đầy hay không?
Giờ là đến những hạt cát nhỏ bé nhưng với lượng lớn.Em có thấy nó đầy hay không?
Và giờ là chai nước này đây.Đổ hết rồi,mà em có thấy nó đầy hay không?
Cuối cùng chiếc bình cũng đầy ắp rồi.
Em có liên tưởng gì không?
Những quả bóng chính là những điều quan trọng nhất trong cuộc đời em.
Những điều quan trọng tiếp theo hay chính là sự tượng trưng của hạt sỏi.
Và hạt cát đúng như bề ngoài của nó,hiện thân của những chuyện nhỏ bé tầm phào.
Chiếc bình to lớn này là cuộc sống của em.
Sẽ ra sao nếu Thầy đổ những hạt cát vào,rõ ràng là sẽ không đủ sức chứa bóng và hạt sỏi!
Vì thế,em hãy hướng đến những điều quan trọng nhất.Thời gian trôi đi rất nhanh chỉ đủ để em theo đuổi cuộc đời như mong muốn.Quá khứ hãy ngủ yên và hiện tại thì bừng bừng sức sống!
Hạ Ly,cảm ơn…..em đã xem hết video….”
Màn hình tối lại cũng là lúc cô thấy nước mắt tuôn rơi… Cô khóc vì nhận ra điều thực sự muốn nhắn nhủ. Nơi cổ tay kia,là vết sẹo đặc biệt mà khi vòng tay vào cổ người ấy để nhảy ra khỏi ngôi nhà chìm trong biển lửa, cô đã nhìn thấy vết sẹo dài ấy.
Bao điều lắng đọng vào năm chữ “Quá khứ hãy ngủ yên”…Thầy ơi!…
Mỗi mái trường ta được học từ khi thơ bé đến nay đều là những vườn ươm, những bãi bồi để bật nên mầm xanh tri thức, dạt dào nhựa sống. Vậy ai đã miệt mài, đã gò công gắng sức, là những nguồn gieo hạt để nảy lên những mầm xanh thi thức ấy? Phần lớn là dựa vào thầy cô – những người lái đò thầm lặng. Thầy cô với chính tấm lòng, trí tuệ, với nhân cách của mình tựa như dòng phù xa chảy về, bồi đắp khiến bao mầm xanh cây, bừng lên tràn đầy sức sống, xanh cùng nắng và gió của cuộc đời. Thầy cô không quản nắng mưa, sóng gió, chẳng vì những ngô nghê, ngờ nghệch ban đầu của lứa học trò mới lớn mà nản dần ý chí, vẫn miệt mài soạn từng trang giáo án dưới ngọn đèn vàng tới những đêm sang canh đầy lạnh lẽo để học sinh có những giờ học vui, tiếp thu được mọi tri thức nhân loại. Nếu gia đình là cái nôi của yêu thương thì trường học, chính là nôi của tri thức, tình thầy trò ấm áp, tình bạn bè thân thiết. Những người lái đò thầm lặng đã mang đến cho bao thế hệ học trò những mầm xanh thi thức. Rồi mầm xanh ấy lại nảy nở trong chính họ, mà trước hết là kiến thức. Ta đến trường được học bao bài học hay và lí thú. Từ những này bé thơ với những bài học đơn giản, những phép toán xòe bàn tay ra đếm và khi ta đã lớn hơn chút nữa thì kiến thức cùng ta cao thêm, dày thêm. Mầm xanh tri thức đâu phải là những kiến thức khô khan trong sách vở, những lý thuyết sáo rỗng mà nó còn dạy ta, bồi đắp cho ta những kĩ năng sống. Hơn nữa, ngày nay, trong xã hội nay với muôn vàn khó khăn, thử thách kĩ năng sống ngày càng được nâng cao để chúng ta có thể phát triển một cách tốt hơn. Môi trường có bạn, có thầy chính là nơi để chúng ta bồi đắp thêm nhiều tình cảm khác không chỉ là tình ruột thịt thiêng liêng. Nơi mầm xanh tri thức được gieo mầm cũng là nơi tình cảm thầy cô, tình bạn thân thương được nảy mầm và ươm trái. Để rồi tất cả thầy cô và học trò được tận hưởng trái ngọt mà họ đã chung tay vun trồng, để rồi khi xa nhau vẫn nhớ về nhau. Đặc biệt, học sinh cũng khai thác mầm xanh tri thức từ những bài học đạo đức làm người. Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta rằng “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, vì vậy đạo đức là trên hết, là quan trọng hàng đầu. Nếu chúng ta không có đạo đức những kiến thức ta học được chỉ là những công cụ để ta trở thành mặt trái của xã hội. Bài học của Bác luôn được các thầy cô ghi nhớ và truyển đạt lại cho học sinh bằng tất cả cái tâm của người làm nghề. Tựu chung lại, mầm xanh tri thức được thầy cô vun đắp là cây đời để chúng ta hoàn thiện bản thân cả đức và tài. Từ đó, tất cả các cánh chim nhỏ sẽ đủ bản lĩnh để giang rộng đôi cánh vùng vẫy khắp năm châu bốn biển.
Tháng 11 về – Tháng của mùa thu, tháng của mùa nhớ. Mỗi độ thu sang, tôi thường đứng một mình nơi góc sân trường, lặng ngắm những vòm cây dần ngả vàng mà bâng khuâng hồi nhớ những ngày đã xa… Nhưng có lẽ tháng 11 năm nay thật khác. Vẫn mùa thu ấy, nhưng là một sự cảm động đến nghẹn lời. Hai tháng qua là những ngày tôi thực sự được “sống”. Bóng dáng người thầy, người cô trên bục giảng mỗi sớm, mỗi chiều luôn thường trực trong tâm trí tôi. Thầy cô là “ánh sáng” soi đường chỉ lối cho bao thế hệ học trò, là những người lái đò thầm lặng, bền bỉ, là những người bạn tâm tình, sẻ chia những rung cảm của tuổi mới lớn. Là những người kiên trì, nhẫn nại trước những sự nghịch ngợm của học trò, là những người “khơi gợi hy vọng, thổi bùng trí tưởng tượng và thấm nhuần niềm đam mê học hỏi” (Brad Henry), vươn tới chinh phục những tầm cao kiếm tìm cho mình một tầm vóc mới, và là những người không bao giờ bỏ lỡ chuyến đò sang sông.Trân trọng và cảm ơn nhắn gửi tới người thầy, người cô tận tụy và tràn đầy nhiệt huyết ấy. Cho chúng em một nền tảng tri thức vững chãi, hữu ích. Cho chúng em khao khát sống hướng thiện, biết yêu thương, đồng cảm và sẻ chia. Cho chúng em biết ước mơ, biết phấn đấu để chinh phục những đỉnh cao, những thành công mới… Cảm ơn Người đã thắp lửa tâm hồn và trái tim!
Người thầy giỏi chỉ biết giải thích
Người thầy xuất chúng chỉ biết minh họa
Người thầy vĩ đại biết cách truyền càm hứng.” …
(William A. Ward )
Thầy cô, cha mẹ – là người tựa nương
Mẹ nâng chân bước ngả đường
Chở che – cha cứ rộng vòng tay ôm.
Cô dạy nét chữ nét người
Bao trang giấy viết điểm mười nở hoa
Văn chương thầy dạy ngân nga
Nhọc nhằn lời vẫn ắp đầy yêu thương.
Công Cha nghĩa Mẹ ơn Thầy
Ước mơ con lại thành hình đắp xây
Về nguồn lắng lại phút giây
Cho con thành kính tỏ bày Tri ân!
“Mặt trời mọc rồi lại lặn, mặt trăng tròn rồi lại khuyết nhưng ánh sáng mà người thầy rọi vào ta sẽ còn sáng mãi trong cuộc đời”. Không tự sinh ra, cũng không tự lớn lên, hầu như mỗi chúng ta đều khôn lớn và trưởng thành dưới ánh sáng kì diệu ấy.Ta từng biết từ thời xa xưa, những nhà nho học như Chu Văn An, người thầy chính trực, thay vì làm quan đã về dạy học ở quê nhà, cống hiến tận tuỵ hết mình cho công việc mà không màng danh lợi. Ta từng biết Nguyễn Bỉnh Khiêm, con người gắn với cái tên quen thuộc là Trạng Trình, giống như nhiều vị hiền nhân khác, thời thế loạn lạc đã khiến ông không hứng thú với chốn quan trường, từ quan về ở ẩn và trở thành một thầy giáo lỗi lạc.Ta từng biết Lê Quý Đôn, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đỉnh Chiểu,… Qua đó, ta có thế thấy được tầm quan trọng của người thầy trong quá trình hình thành nhân cách mỗi con người.Một người thầy, không chỉ đơn thuần là người dạy chữ nghĩa, truyền đạt kiến thức mà còn phải là người thấu tình đạt lí, biết dùng trái tim và lòng bao dung để uốn nắn những mầm non khôn lớn. Bởi thế cho nên người ta nói: nghề giáo thiêng liêng nhất, khó khăn nhất và cũng đáng quý nhất.Công ơn thầy bao la như trời bể, có thể ví thầy như người cha thứ hai trong cuộc đời mỗi con người. Theo đức Không Tử, thầy là người giảng đạo cho dân. Người thầy lấy tri thức giáo hóa muôn dân biết rõ đạo lí, lễ nghi và thực hành đạo lí, lễ nghi ấy trong cuộc sống nhằm xây dựng và ổn định trật tự xã hội, cải hoá con người.Nếu theo quan niệm “Tam cương giả”, người thầy được đứng vị trí thứ hai trong trật tự “Quân – Sư – Phụ”. Thầy chỉ sau vua và trên cả cha. Thầy không có uy quyền của vua, không phải huyết thống như cha, nhưng được đặt lên hàng tôn quý.Cho dù đã trải qua hàng nghìn năm, xã hội đã có muôn vàn biến chuyển nhưng người thầy và nghề giáo cao quý vẫn luôn được tôn vinh bởi những đóng góp và công hiến của họ cho sự phát triển của đất nước.
Nghĩa Thầy Cô như nước biển khơi,
Công Cha Mẹ con luôn tạc dạ,
Ơn Thầy Cô con mãi ghi lòng.
Một ngày gọi là thầy cả đời vẫn gọi là thầy!
Nghề cao quý trên những nghề cao quý
Đem đạo học lên bậc thang địa vị
Dạy thành người chứ không dạy thành danh”
Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”( Phạm Văn Đồng). Đó là nghề khai tâm, khai trí, khai đức đào tạo nên con người, là nghề trồng người. Người dạy học – người thầy chính là người lái đò cần mẫn đưa hết lớp học trò này đến lớp học trò khác qua dòng sông tri thức, cập bến bờ trí tuệ, trở thánh những con người có ích cho xã hội. Mỗi lời thầy dạy chính là một hành trang quý báu luôn đồng hành cùng ta, và dẫu cho “mặt trời mọc lại lặn, mặt trăng khuyết lại tròn” nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào trong chúng ta sẽ còn sáng mãi trong suốt cuộc đời”(Quách Mạc Nhược). Không chỉ đem đến cho chúng ta những tri thức, người thầy còn là “ kĩ sư tâm hồn” , “mở ra trí óc và chạm đến trái tim”. Thầy cô là người dạy ta bao điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế; là người bạn luôn hiểu ta, sẵn sàng cùng ta chia sẻ những vui buồn, luôn chỉ ra những khuyết điểm để chúng ta sửa chữa, luôn động viên khích lệ ta vươn lên. Thầy cô luôn hi sinh thầm lặng, thức khi chúng ta đã ngủ, sẵn sàng tha thứ cho mọi lỗi lầm của ta, lo lắng yêu thương chúng ta như con ruột. Và với tôi thầy cô mãi là những người cha, người mẹ thứ hai, là người tôi luôn biết ơn và kính trọng suốt cuộc đời!
“Một cuốn sách hay không bao giờ ta đọc một lần mà bỏ xuống được, ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần, nghiền ngẫm để thấu hiểu những giá trị sâu thẳm cốt lõi bên trong của nó”( Nguyễn Đình Thi ). Đến với “Những tấm lòng cao cả” – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn người Ý Edmondo De Emicis ta học được cách chia sẻ, cảm thông, yêu thương và trân trọng hơn những gì là bình dị nhất, thân thương nhất như tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè, tình thầy trò. Cuốn sách tựa như những trang nhật ký nhỏ của cậu bé mười một tuổi Enrico Bottini, với những câu chuyện vô cùng gần gũi – về những người bạn cùng lớp, những câu chuyện cậu được chứng kiến trong cuộc sống hay đơn giản chỉ là bức thư của cha, của mẹ, những câu chuyện đọc hàng tháng được thầy giáo cho chép..Mỗi ngày đến trường, Enrico không chỉ được thầy chủ nhiệm Pecboni dạy những bài học mà thầy còn truyền vào trái tim và tâm hồn cậu lòng yêu nước dạt dào, nặng sâu. Đất nước của thành Rome khi ấy chìm sâu trong những cuộc chiến tranh khiến ta thêm thấu hiểu tấm lòng cao đẹp của người thầy giáo hết lòng vì trò, một lòng vì nước. Bằng sự tinh tế của mình,
E.D.Emicis đã khiến người đọc trên toàn thế giới thực sự phải rung động và cảm phục trước hình ảnh người thầy vĩ đại, cao cả ấy. Có lẽ vì thế mà “Những tấm lòng cao cả” thực sự xứng đáng là khúc hát vinh danh những người gieo mầm thầm lặng!